Chất lượng in bao giờ cũng luôn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của xí nghiệp in. Tất nhiên, chất lượng in phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau từ khâu chế bản cho đến in và thành phẩm. Một trong những vất đề đó là thứ tự in chồng màu trong in 4 màu. Hiện nay, đây vẫn là một trong những đề tài đang được tranh cãi nhiều nhất.
Để tiện việc tham khảo, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của anh T.V.Đ là một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong quá trình in offset, hiện anh đang công tác tại xí nghiệp in Lê Quang Lộc.
Theo ý kiến của anh T.V.Đ thứ tự in chồng màu không nhất thiết phải cứng ngắt lúc nào cũng là C.M.K.Y hoặc Y,K,C,M mà sẽ tuỳ theo từng trường hợp và tuỳ theo đặc thù mỗi xi nghiệp. Hiện nay tại xí nghiệp, nói chung đa số trường hợp in theo thứ tự Y,C,M,K. Lý do mà T.V.Đ đưa ra là đặc thù của xí nghiệp là in báo với loại giấy mỏng, định lượng nhỏ, độ hút mực lớn, vì vậy vấn đề giãn giấy là một trong những khó khăn trong quá trình in. Trên một trang báo các phần tử in màu đen thường chiếm đa số, do đó lượng mực màu đen trên trang báo cũng khá nhiều và trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu gây giãn giấy. Vì vậy, việc in các màu Y,C,M trước sẽ cho phép độ giãn giấy là nhỏ nhất và tránh được hiện tương bị đúp bóng chữõ, tuy nhiên, đối với các ấn phẩm khác in trên giấy Couché thông thường trong đều kiện in của xí nghiệp sẽ in theo thứ tự K,C,M,Y theo phương pháp ướt chồng ướt trên máy in 4 màu. Lý do là vì khi in trên giấy Couché thời gian làm khô mực sẽ lâu hơn, như vậy nếu in màu vàng trước khả năng bị dậm mực rất lớn do mực vàng lâu khô hơn.
Nếu in trên máy in hai màu, thứ tự chồng màu thường là C.M sau đó là K,Y. Lý do in mực Y sau cùng cũng được giải thích như in trên máy in 4 màu. Màu K in sau vì nếu để in trước việc rửa đơn vị in để thay mực khác sẽ tốn rất nhiều thời gian làm giảm năng suất in.
Trường hợp trên máy in 1 màu, thông thường thứ tự chồng màu là C.M.K.Y. Lý do để màu đen in cuối cùng cũng được gải thích như trên.
Cũng theo ý kiến của anh T.V.Đ việc thay đổi thứ tự chồng màu có thể được quyết định tùy thuộc vào từng loại ấn phẩm. Chẳng hạn, một ấn phẩm nghiêng về màu xanh blue, thông thường nên đặt thứ tự chồng màu sao cho màu C in trước màu M để tránh cho màu xanh blue dễ bị ngả tím. Cũng như nếu ấn phẩm nặng về màu đỏ cờ, thông thường nên đặt thứ tự chồng màu sao cho màu M in trước màu Y thì màu đỏ in ra mới đạt yêu cầu, nếu in theo thứ tự ngược lại có thể màu đỏ cờ không đạt được màu đỏ cờ như mong muốn.
Tất nhiên, việc nhận định tính chính xác của các ý kiến trên còn là vấn đề cần phải bàn cãi. Vì vậy, chúng tôi rất mong sự đóng góp ý kiến của các sinh viên, các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề in ấn để chúng ta có thể rút ra được một số kinh nghiệm về thứ tự in chồng màu nhằm cải tiến chất lượng in ngày càng tốt hơn.
Tin nổi bật In ấn tại quận 11 TP.HCM